Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

10 cách khắc phục chứng đau ruột thừa tại nhà

Một vài biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm cơn đau ruột thừa:

1.Nước ấm

Nước ấm có vai trò kép khi mắc bệnh viêm ruột thừa. Thứ nhất, nước ấm rất có lợi đối với sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Thứ hai, nước ấm giúp làm sạch ruột. Viêm ruột thừa là do sự tích tụ các chất độc. Uống nước giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể.

2.Đậu xanh

Đậu xanh là phương pháp điều trị viêm thuột thừa đã có từ lâu. Ngâm đậu xanh với nước để uống 3 lần mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe.

3.Sữa bơ

Sữa bơ giúp giảm đau do viêm ruột thừa. Bạn có thể thêm vào một chút muối vào sữa bơ khi uống. Uống hỗn hợp này 2-3 lần mỗi ngày sẽ nhận được hiệu quả tốt nhất. Sữa bơ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn ở ruột thừa, do đó giảm viêm ruột thừa.

đau ruột thừa

4.Tỏi

Tỏi cũng có tác dụng chữa viêm ruột thừa do tỏi có tính chống viêm. Bạn nên ăn vài tép tỏi sống. Tuy nhiên, nếu mùi tỏi quá khó chịu, bạn có thể sử dụng viên tinh dầu tỏi.

5.Gừng

Gừng cũng giống như tỏi, đều có tính chống viêm. Bạn có thể uống trà gừng nhiều lần trong ngày. Nếu mùi và vị gừng gây khó chịu, bạn có thể uống thuốc viên gừng. Xoa bóp bụng dưới bằng tinh dầu gừng cũng rất hiệu quả. Nên sử dụng gừng khi bệnh nhân có triệu chứng nôn.

6.Nước ép rau

Uống nước ép rau như nước ép dưa leo, củ cải đường, cà rốt, rau mùi và nước ép củ cải nhiều lần trong ngày giúp giảm cơn đau do viêm ruột thừa. Rau chứa nhiều vitamin và chất xơ có lợi cho sức khỏe. Vitamin đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chất xơ giúp điều trị táo bón.

7.Chanh

Nước chanh- mật ong hoặc nước chanh có vai trò quan trọng trong điều trị viêm ruột thừa. Chanh là nguồn cung cấp vitamin C tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hơn nữa, chanh còn giúp giảm đau và ngăn ngừa chứng khó tiêu, táo bón.

8.Húng quế

Lá húng quế làm giảm chứng khó tiêu, tăng cường hệ miễn dịch. Húng quế có các chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Các chất độc hại trong cơ thể, đặc biệt là ở ruột là nguyên nhân gây ra các vấn đề như viêm ruột thừa. Ngoài ra, húng quế giúp hạ sốt, một trong những triệu chứng của viêm ruột thừa.

9.Hạt cỏ cà ri

Uống trà làm từ hạt cỏ cà ri mỗi ngày giúp điều trị viêm ruột thừa. Cỏ cà ri có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành mủ và chất nhầy trong ruột thừa do đó tránh cho tình trạng viêm ruột thừa trở nên tệ hơn.

10.Mát-xa

Mát-xa vùng bụng dưới bằng tinh dầu như dầu thầu dầu có thể giúp giảm đau do viêm ruột thừa. Hơn nữa, bạn có thể sử dụng hỗn hợp gừng và nghệ để mát-xa.

BS. Tuyết Mai

(Theo Boldsky)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Nguyễn Thị Huệ (Bắc Giang)

Các triệu chứng của cảm cúm thông thường và cảm lạnh hay khiến chúng ta bị nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn. Dấu hiệu của bệnh cúm là sốt (có thể sốt cao). Nếu chỉ bị cảm lạnh, dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt. Nhức mỏi là dấu hiệu liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, cần nghĩ ngay đến bệnh cúm. Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm. Nếu thấy ớn lạnh thì đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi hãy nghĩ đến bệnh cúm nhiều hơn. Còn các triệu chứng như hắt hơi, nói bằng giọng mũi do nghẹt mũi, chảy nước mũi thì đích thị đó là bị cảm lạnh. Bị nặng, nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm khuẩn. Nếu các triệu chứng vừa nói ở trên như lạnh, ho, sốt tấn công cơ thể đột ngột và dồn dập với mức độ nặng tăng nhanh, đó là bệnh cúm.

Điều trị hai chứng bệnh này khác nhau. Do vậy để khỏi bệnh thì bạn nên đưa mẹ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định.

BS. Nguyễn Cường

Phòng ngừa bệnh lao cho trẻ em

Mặc dù số ca nhiễm lao hiện nay đã giảm so với trước kia, nhưng một số nhóm trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ cao mắc lao, bao gồm: Trẻ sống trong gia đình có người lớn đang bị nhiễm lao thể hoạt động. Trẻ bị nhiễm HIV hoặc một căn bệnh khác làm suy yếu hệ miễn dịch. Trẻ sinh ra tại khu vực có tỷ lệ mắc lao cao. Trẻ tới các khu vực đang có dịch lao và đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm lao tại đó. Trẻ sống tại những cộng đồng chưa có hệ thống chăm sóc y tế hợp lý.

Trẻ mắc lao thường là do lây nhiễm mầm bệnh từ người thân có bệnh lao. Đặc biệt, trẻ trong các gia đình nghèo, điều kiện sống khó khăn và ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch suy giảm, khả năng mắc lao rất cao. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị lây bệnh lao ở trường học, ngoài cộng đồng. Bệnh lao ở trẻ em rất khó nhận biết vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng bệnh lao cho trẻ.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng bệnh lao cho trẻ.

Bệnh lao thường lây theo đường hô hấp khi một người bị thể lao hoạt động ho, hắt hơi làm các vi khuẩn lao phát tán trong không khí. Trẻ em hít phải các vi khuẩn này và bị nhiễm lao. Trẻ em dưới 10 tuổi bị lao phổi hiếm khi lây cho người khác bởi ở những đối tượng này số lượng vi khuẩn trong dịch tiết hô hấp còn khá ít.

Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên, thường gặp hơn cả là các thể: lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu; lao cấp tính; lao hô hấp sau sơ nhiễm; lao phổi; lao màng phổi và lao ngoài phổi. Cho đến nay, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất.

Trong đa số trường hợp, trẻ bị phơi nhiễm với lao sẽ không bị phát triển thành thể lao hoạt động. Khi vi khuẩn vào phổi, hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động để chống lại chúng và ngăn không cho chúng lan rộng (lao sơ nhiễm). Những trẻ này bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không biểu hiện triệu chứng và có thể xác định bằng test phản ứng da. Tuy nhiên, nhóm trẻ này vẫn cần phải được điều trị để đề phòng lao sơ nhiễm phát triển thành dạng hoạt động về sau.

Lao phổi, lao cấp tính là những thể lao hay gặp nên cần phải quan tâm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ. Các dấu hiệu thường thấy đó là trẻ ho dai dẳng, khò khè kèm theo kém ăn, không tăng cân hoặc tăng cân rất ít. Trẻ lớn thì có những biểu hiện đau ngực, khó thở, ho đờm. Đây là những dấu hiệu mà phụ huynh cần đưa trẻ tới khoa hô hấp để khám.

Ngoài ra, những triệu chứng của tổn thương lao ngoài phổi cũng cần phải quan tâm, phát hiện những trường hợp bệnh nhân bị lao xương khớp. Bệnh nhân có những dấu hiệu như hạn chế vận động hoặc có kèm theo sốt, những triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc của lao. Đặc biệt quan tâm là lao đường hô hấp, những trường hợp trẻ có triệu chứng nghi lao đã được điều trị nhiều đợt nhưng vẫn không cải thiện thì phải nghĩ ngay đến nguyên nhân do lao để có những tiếp cận, chẩn đoán sớm cho trẻ.

Trẻ mắc lao dễ gặp biến chứng gì?

Bệnh lao ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tiến triển nặng hơn gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh và khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sưng hạch bạch huyết, sút cân và chậm phát triển thể chất. Trong một số rất ít trường hợp với trẻ em dưới 4 tuổi, vi khuẩn lao có thể lan vào máu tuần hoàn và gây nhiễm lao cho một số bộ phận khác của cơ thể. Nguy hiểm nhất là lao màng não - một căn bệnh ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Trẻ mắc lao nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không hết liệu trình sẽ rất nguy hiểm. Bệnh lao diễn tiến càng nặng dần, việc điều trị sẽ kém hiệu quả, tỷ lệ khỏi thấp, có những trường hợp bị kháng thuốc. Trong thực tế, đã có những trường hợp trẻ mắc đa kháng thuốc dẫn đến việc điều trị rất phức tạp. Nếu phát hiện muộn hơn nữa thì bệnh có thể lây lan ra toàn cơ thể, lao đa bộ phận và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Vậy nên việc phát hiện sớm để phòng những biến chứng, di chứng của bệnh là điều rất cần thiết.

Kiểm soát sự lây lan của bệnh lao

Để phòng bệnh lao cho trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ để phát triển khỏe mạnh. Trẻ suy dinh dưỡng là một trong những nhóm đối tượng nguy cơ mắc lao, bởi vậy, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Nếu trẻ đã bị nhiễm vi khuẩn lao, bất kể trẻ có biểu hiện triệu chứng hay không cũng cần thiết phải cách ly trẻ với đối tượng đã lây bệnh cho trẻ. Thông thường, những người đã từng tiếp xúc gần với trẻ là những đối tượng có khả năng lây bệnh cao nhất. Nếu phát hiện có người lớn trong gia đình bị nhiễm lao: người đó nên được cách ly càng sớm càng tốt cho tới khi việc điều trị có thể kiểm soát tốt các triệu chứng. Tất cả các thành viên trong gia đình đã từng tiếp xúc với đối tượng đó nên được điều trị bằng isoniazid, bất kể là kết quả test trên da dương tính hay âm tính. Tất cả những người biểu hiện triệu chứng hoặc có hình ảnh chụp Xquang bất thường nên được điều trị dưới dạng thể lao hoạt động.

BS. XU N ĐỒNG

Thừa canxi có gây hại?

Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Ấn Độ, một người lớn Ấn Độ cần trung bình khoảng 1.000-1.300mg canxi mỗi ngày và 1.500-1.800mg canxi mỗi ngày với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu bạn hấp thu quá nhiều, dĩ nhiên, cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách này hay cách khác.

Chế độ ăn chứa canxi có làm tăng nguy cơ sỏi thận?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa sỏi thận và hấp thu canxi, tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa đi đến kết luận. Theo các nhà nghiên cứu, có tỷ lệ cao những người bổ sung nhiều canxi hoặc hấp thu nhiều canxi qua chế độ ăn bị sỏi thận. Tuy nhiên, canxi không phải là thủ phạm duy nhất, những người này cũng uống ít nước và hấp thu ít các loại khoáng chất cần thiết khác có thể dẫn tới thừa canxi trong cơ thể và từ đó hình thành sỏi thận.

Một số nghiên cứu cho thấy trên thực tế, hấp thu canxi thấp có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận lần đầu và ảnh hưởng tới sức khỏe xương. Nhưng đối với những người có xu hướng bị sỏi thận nhiều lần, họ được yêu cầu tuân theo một số biện pháp phòng ngừa chung như hạn chế hấp thu canxi, tăng cường uống nước. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy canxi niệu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận đặc biệt ở những người có cơ địa tạo sỏi. Thậm chí, với những người được điều trị sỏi thận, hấp thu vừa phải canxi qua chế độ ăn cũng tốt. Trong trường hợp này nên tránh các chế phẩm bổ sung canxi hoặc thảo luận với các bác sĩ trước khi sử dụng.

Giả thuyết khác là phụ nữ được dùng các chế phẩm bổ sung canxi để phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of American Nutrition năm 2008, có mối tương quan nghịch giữa hấp thu canxi (qua chế độ ăn hoặc các chế phẩm bổ sung) và hình thành sỏi thận. Mặc dù các nghiên cứu có kết quả khác nhau, nhóm chuyên gia vẫn tin rằng hấp thu ít canxi, đặc biệt là với những người từng bị sỏi thận hơn 1 lần là tốt hơn.

Chế độ ăn nhiều canxi có làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch?

Một số nghiên cứu cho rằng thừa canxi có thể dẫn đến vôi hóa động mạch và tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không tìm thấy mối liên quan giữa hấp thu canxi và sức khỏe tim. Một nghiên cứu công bố trên tờ Osteoporosis International chỉ ra rằng sau 24 năm theo dõi, nguy cơ bị bệnh tim mạch ở những phụ nữ dùng các chế phẩm bổ sung canxi và những người không dùng là tương đương. Một giả thuyết khác là các chế phẩm bổ sung canxi không có vitamin D có thể dẫn tới kết quả tương tự.

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng bị bác bỏ sau khi một nghiên cứu khác cho thấy rằng bổ sung canxi có hoặc không có vitamin D không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của phụ nữ cao tuổi được khuyên bổ sung sau mãn kinh. Điều này không có nghĩa bạn không cần vitamin D để hấp thu canxi. Hấp thu đủ vitamin D là cần thiết để cơ thể hấp thu canxi.

Tóm lại, không có nghiên cứu nào kết luận rằng thừa canxi có thể gây nguy cơ. Những gì các chuyên gia lo lắng lúc này không phải là hấp thu thừa canxi mà là đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày. Các chuyên gia khuyến khích người dân ăn thực phẩm giàu canxi hoặc bổ sung canxi để đáp ứng nhu cầu cơ bản. Có rất ít nguy cơ bị thừa canxi qua chế độ ăn, trừ khi bạn uống hơn 1 lít sữa mỗi ngày. Nếu bác sĩ kê đơn bổ sung canxi, bạn cần kiểm tra việc hấp thu 2 tháng/lần để biết bạn không bị thừa.

Hà Ngân

(Theo THS)

Bạn có biết nguyên nhân gây ra tiêu chảy sau uống sữa?

Thường hai rối loạn vừa nêu có vẻ giống nhau, nhưng chúng khá khác nhau về cơ chế bệnh sinh và cả hai đều có thể gây tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa.

Nguyên nhân tiêu chảy sau khi uống sữa

1. Không dung nạp Lactose:

Khi thiếu chất lactase, một loại enzyme chịu trách nhiệm tiêu hóa lactose trong cơ thể. Những người không dung nạp lactose không thể tiêu hóa được lactose trong sữa, do đó thường bị tiêu chảy sau khi uống sữa.

Mặc dù tình trạng này không được xem là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng rất khó chịu, thường xuất hiện sau 15 phút đến 2 giờ sau khi uống sữa hoặc tiêu thụ thực phẩm khác có chứa lactose.

Các triệu chứng thông thường khác của không dung nạp lactose bao gồm: Đau bụng; Đầy bụng; Buồn nôn; Nôn; Đầy hơi.

 

Dị ứng sữa do không dung nạp lactose

 

2. Dị ứng sữa:

Dị ứng sữa xảy ra khi có thể có phản ứng với một protein có trong sữa, như chất whey hoặc chất casein. Tiêu chảy là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng sữa.

Trong khi sữa của bất kỳ động vật có vú nào cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng này, nhưng sữa bò là thủ phạm phổ biến nhất.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng từ 5 phút đến 3 giờ sau khi ăn hoặc uống thức ăn chứa sữa.

Các triệu chứng ngay lập tức có thể bao gồm: Khó thở; Nổi mề đay và nôn.

Ngoài tiêu chảy, các triệu chứng khác sẽ xuất hiện tiếp theo bao gồm: Đau bụng; Phân có máu; Chảy nước mũi; Ho; Phát ban da, thường thấy quanh miệng.

3. Khác biệt giữa sự không dung nạp lactose và dị ứng sữa:

Nếu bạn không dung nạp lactose, điều đó có nghĩa là bạn gặp khó khăn khi tiêu hóa đường có trong sữa. Đó là một vấn đề về hệ thống tiêu hóa.

Tuy nhiên, dị ứng sữa có liên quan đến hệ miễn dịch của bạn. Trong tình trạng này, kháng thể được gọi là globulin miễn dịch - IgE nhận diện các protein trong sữa như là chất lạ và cố gắng loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, gây ra đáp ứng miễn dịch.

Tình trạng không dung nạp lactose và dị ứng sữa có vẻ giống nhau, nhưng thực sự rất khác nhau, bạn không nên tự chẩn đoán. Tiêu chảy sau khi uống sữa là một triệu chứng của cả hai rối loạn vừa nêu và chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được thuộc loại bệnh nào.

Làm thế nào để ngăn ngừa tiêu chảy gây ra bởi dị ứng sữa

Nếu bạn đang bị tiêu chảy sau khi uống sữa do dị ứng sữa, cách duy nhất là kiêng sữa. Do sữa là thành phần thường được sử dụng trong một số thực phẩm, nên có thể hơi khó.

Một số người có thể ăn một số sản phẩm làm bằng sữa nóng như thực phẩm nướng, hoặc sữa chế biến như sữa chua. Bác sĩ của bạn có thể giúp bạn xác định thực phẩm nào cần tránh xa.

Trong trường hợp bạn vô tình ăn một thứ gì đó có chứa sữa, hãy luôn giữ thuốc kháng histamine sẵn trong người để sử dụng ngay giúp ngăn chặn phản ứng và triệu chứng dị ứng.

Nếu dị ứng sữa trầm trọng, bạn có thể bị sốc quá mẫn. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sưng phù cổ họng và các đường dẫn khí, dẫn đến khó thở cấp. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp, bạn phải luôn luôn mang theo thuốc mà bác sĩ đã chỉ định để có thể xử trí cấp cứu ngay. Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở cấp cứu y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Web Md và New Health Advisor)

Đề phòng bệnh gan ở trẻ em

Khi nhắc đến bệnh gan, mọi người thường nghĩ đó là chứng bệnh của người trưởng thành. Thế nhưng các bệnh lý về gan xuất hiện ở trẻ em ngày một nhiều hơn và là nỗi lo lắng cho cả giới y khoa.

Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Gan được xem như là nhà máy hóa chất lớn nhất. Gan sản xuất ra dịch mật - dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa, đảm trách việc điều hòa nhiều phản ứng hóa sinh, những phản ứng này chỉ xảy ra ở một số tổ chức đặc biệt của cơ thể. Gan dự trữ chất dinh dưỡng, mỡ và vitamin, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tạo protein cho huyết tương và thải độc cho cơ thể.

Bệnh gan ở trẻ em là cụm từ chỉ các bệnh lý về gan thông thường ở trẻ như: nhiễm siêu vi viêm gan ( A, B, C...), bệnh gan di truyền hay bệnh gan chuyển hóa, nghẽn đường mật, gan nhiễm mỡ... Bệnh gan mắc phải thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em. Các bệnh gan phát hiện ở trẻ em thường do viêm nhiễm, di truyền, rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh mạn tính. Điều này chứng tỏ trẻ có thể mắc bệnh gan do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh hoặc do các vấn đề sức khỏe khác của bé.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh gan ở trẻ em gồm: Do trẻ chưa hoàn thiện về sinh lý của gan trong thời gian chu sinh và những thay đổi quan trọng của quá trình chuyển hóa của gan trong thời gian thơ ấu. Chính những thay đổi này ảnh hưởng sự tiếp xúc cũng như phản ứng lại khi cơ thể trẻ tiếp xúc với chất độc hay virut.Những biểu hiện khi trẻ mắc bệnh gan.

Những biểu hiện khi trẻ mắc bệnh gan.

Nhận biết trẻ em mắc bệnh gan

Trẻ có dấu hiệu bị vàng da, vàng mắt: Triệu chứng này không chỉ báo hiệu bệnh gan ở người lớn mà còn báo hiệu đối với cả trẻ nhỏ. Màu da và màu mắt thay đổi là do ứ đọng quá nhiều bilirubin trong máu. Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tìm thấy trong mật và được sản xuất bởi gan. Có đến 60% trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, một em bé vài tháng tuổi lại cần chăm sóc y tế khi bị vàng da bởi đây là dấu hiệu của bệnh gan.

Có dấu hiệu sưng ở bụng và chi dưới: Nếu trẻ có dấu hiệu bị sưng ổ bụng (trướng bụng) và chi dưới thì rất có thể đã bị bệnh gan. Bình thường, trong ổ bụng không có nước khi giữa lá thành và lá tạng của màng bụng, vì một nguyên nhân nào đó, xuất hiện nước, gọi là hiện tượng cổ trướng.

Nước tiểu đậm màu: Nếu một bé khỏe mạnh nước tiểu sẽ có màu sáng. Còn đối với những bé có vấn đề về gan, nước tiểu trở nên đậm màu do có sự tích tụ của bilirubin trong máu. Nước tiểu sậm màu cũng là một dấu hiệu của sự mất nước. Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy được sự hiện diện của bilirubin. Khi bé được uống nhiều nước mà nước tiểu lại sậm thì nên đưa trẻ đi khám.

Dấu hiệu trong phân của trẻ: Những em bé khỏe mạnh sẽ bài tiết bilirubin qua phân. Đối với những bé có vấn đề về gan sẽ không thải bilirubin qua phân và khiến phân của bé nhạt màu hoặc màu trắng. Nếu phân của bé chứa máu hoặc dịch màu thì đây là dấu hiệu chứng tỏ bé đang có vấn đề về gan.

Dấu hiệu khác: Ngoài các dấu hiệu ở trên, nếu trẻ mắc các vấn đề về gan thì bé thường có cảm giác không ngon miệng, hay nôn trớ, ngủ khó đánh thức đôi khi còn hôn mê và không tăng cân trong thời gian dài.

Ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan có thể đe dọa sức khỏe trẻ em

Khi trẻ mắc bệnh gan mà không được điều trị, có thể biểu hiện như: tăng bilirubin máu, gan to, suy tế bào gan, xơ gan, nang gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc bệnh toàn thân do ảnh hưởng thứ phát của bệnh gan. Các biểu hiện toàn thân do bệnh gan gây ra là: rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết. Rối loạn đông máu thứ phát do nồng độ các yếu tố phụ thuộc vitamin K thấp. Khi gan có bệnh sẽ không thải hết độc tố ra khỏi cơ thể, việc tiếp xúc độc tố kéo dài có thể gặp trong các bệnh: galactosemia hoặc fructosemia. Nhiễm trùng là nguyên nhân của bệnh gan hay là hậu quả thứ phát của suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa với biểu hiện xuất huyết dạ dày ruột trầm trọng.

Các biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh gan cho trẻ cần cho trẻ tiêm vắc-xin phòng viêm gan B ngay khi trẻ lọt lòng mẹ. Với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virut viêm gan b thì cần được tiêm thuốc dự phòng ngay khi mới sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cần cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ. Sữa mẹ đã được phát hiện có chứa hơn 1.000 loại dinh dưỡng, trong đó có 400 loại dinh dưỡng mà khoa học hiện nay không thể phục chế được. Nhưng ưu điểm của sữa mẹ không chỉ như vậy, hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện, nuôi con bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan ở trẻ em. Đồng thời, trong sữa mẹ còn chứa nhiều loại kháng thể để chống lại các virut. Do vậy, những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa bệnh gan do virut một cách hiệu quả.

Với trẻ lớn hơn cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thực phẩm. Mẹ cần chuẩn bị cho con khẩu phần ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết.

Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa nguồn bệnh. Năng cho trẻ vận động ngoài trời để thích nghi với thời tiết và tăng khả năng phòng bệnh. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tiêu hóa ngay.

BS. Lê Anh

Những điều cần lưu ý khi sử dụng vắc

Nguyên tắc sử dụng vắc-xin

Cần phải sử dụng đúng đường sử dụng, đúng vị trí, đủ liều, đúng liều. Các khuyến cáo về đường sử dụng, vị trí sử dụng và liều tiêm là dựa trên các bằng chứng khoa học từ các thử nghiệm lâm sàng, kinh nghiệm thực hành, và các cân nhắc về lý thuyết. Do đó không nên thay đổi các quy định đã được khuyến cáo về đường tiêm, thể tích mỗi liều tiêm, số liều tiêm và vị trí tiêm. Việc thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dẫn đến khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi mắc bệnh thấp.

PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW kiểm tra tủ lạnh bảo quản vắc-xin trong TCMR tại kho vắc-xin khu vực Tây Nguyên.

PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW kiểm tra tủ lạnh bảo quản vắc-xin trong TCMR tại kho vắc-xin khu vực Tây Nguyên.

Khoảng cách của các liều vắc-xin

Vắc-xin phải được tiêm theo đúng lịch, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối đa. Cố gắng bảo đảm khoảng cách giữa các mũi tiêm vắc-xin nếu có thể được. Khoảng cách giữa các mũi tiêm không được dưới khoảng cách quy định và không được sớm hơn thời điểm tiêm. Tuy nhiên việc khoảng cách các mũi tiêm lớn hơn theo quy định không làm giảm nồng độ kháng thể sau khi hoàn thành các mũi tiêm mặc dù hiệu lực bảo vệ có thể không đạt được cho đến khi đủ số liều theo quy định.

Nếu liều đầu tiên sớm hơn 5 ngày trước tuổi tiêm thì phải tiêm nhắc lại sau khi trẻ đạt tuổi tiêm theo quy định. Tiêm vắc-xin sống phải bảo đảm rằng khoảng cách tối thiểu là 28 ngày. Một số vắc-xin như vắc-xin bạch hầu, uốn ván có thể gây ra tỷ lệ phản ứng hệ thống tại chỗ nhiều hơn. Do đó cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng để có thể làm giảm các tỷ lệ phản ứng mà không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch. Ngoại trừ vắc-xin thương hàn uống, thì bất kì sự gián đoạn lịch tiêm nào đều không đòi hỏi tiêm lại từ đầu hoặc bổ sung 1 liều tiêm khác.

Tiêm đồng thời các loại vắc-xin

Ngoại trừ một số trường hợp, tiêm đồng thời các vắc-xin sống và bất hoạt sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vắc-xin riêng lẻ. Việc tiêm đồng thời tất cả các liều vắc-xin theo tuổi được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định tại thời điểm tiêm. Vắc-xin MMR và thủy đậu có thể tiêm đồng thời. Vắc-xin cúm sống giảm độc lực không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin thủy đậu và MMR.

Tiêm đồng thời vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm bất hoạt vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt mà không gây nên những phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Vắc-xin uốn ván, vắc-xin bạch hầu liều thấp, vắc-xin ho gà vô bào và cúm bất hoạt có thể được tiêm đồng thời. Vắc-xin viêm gan b được tiêm đồng thời với vắc-xin sốt vàng. Vắc-xin sởi và sốt vàng có thể tiêm đồng thời mà không có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các loại kháng nguyên. Tùy thuộc vào lịch tiêm chủng một đứa trẻ có thể được tiêm 9 loại vắc-xin khác nhau trong khoảng từ 2-15 tháng tuổi. Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm, những liều tiêm ban đầu nên hạn chế không nên quá nhiều mũi tiêm trong một lần trẻ đến tiêm.

Không có bằng chứng về vắc-xin bất hoạt có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của vắc-xin bất hoạt khác hoặc vắc-xin sống. Bất kì vắc-xin bất hoạt nào cũng có thể tiêm đồng thời hoặc bất kì lúc nào (trước hoặc sau) tiêm vắc-xin sống hoặc bất hoạt khác. Các vắc-xin sống có thể tiêm cùng lúc với nhau trong một lần đến tiêm, nếu không tiêm cùng lúc được thì phải tiêm cách nhau trên 4 tuần.

Vắc-xin kết hợp

Việc phối hợp nhiều vắc-xin có thể làm giảm số mũi tiêm và làm giảm những lo ngại liên quan đến nhiều mũi tiêm. Ích lợi của tiêm vắc-xin phối hợp bao gồm làm tăng tỷ lệ tiêm chủng, làm tăng tỷ lệ tiêm đúng thời gian ở những trẻ tiêm trễ, giảm chi phí về vận chuyển, bảo quản vắc-xin, giảm chi phí đi lại, tiêm chủng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa vắc-xin mới vào Chương trình Tiêm chủng.

Linh San

((Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN))

10 cách khắc phục chứng đau ruột thừa tại nhà

Một vài biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm cơn đau ruột thừa: 1.Nước ấm Nước ấm có vai trò kép khi mắc bệnh viêm ruột thừa. Thứ nhất, nướ...